Cách tính thuế căn hộ chung cư, nhà đất theo Luật mới đề xuất
Cách tính thuế căn hộ chung cư, nhà đất theo Luật mới đề xuất
Với đề xuất của Bộ Tài chính, một ngôi nhà (dù là nhà đất hay chung cư), đều phải chịu cả thuế đất lẫn thuế nhà.
Theo Đề cương xây dựng Luật Thuế Tài sản, Bộ Tài chính đề xuất bóc tách phần đất và phần nhà (đã xây) riêng khi xác định mức thuế phải nộp. Vì vậy, một ngôi nhà, dù là nhà đất hay chung cư, đều phải chịu cả thuế đất lẫn thuế nhà.
1. Với căn hộ chung cư
Cách tính: Số thuế phải nộp = Thuế đất + Thuế nhà
Thuế đất chung cư = Diện tích đất tính thuế x Giá đất x Thuế suất
Diện tích đất tính thuế được xác định bằng diện tích nhà của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhân với hệ số xác định diện tích đất tính thuế (xem bảng)
* Hệ số xác định diện tích tính thuế
Đối với đất xây nhà chung cư
– Diện tích để ở 0,2
– Diện tích để kinh doanh 0,3
– Diện tích sử dụng chung cho cư dân trong toà nhà 0
– Đối với đất chỉ có công trình xây dựng dưới mặt đất 0,3
Như vậy, diện tích đất tính thuế của một căn hộ chung cư để ở bằng diện tích nhà (theo hợp đồng mua bán) nhân với hệ số (0,2).
Giá đất là giá một m2 đất tính thuế sẽ theo bảng giá do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế.
Thuế suất: 0,4%
Một dự án khu đô thị gồm cả chung cư và nhà thấp tầng tại Hà Nội.
Ví dụ với một căn hộ để ở trên đường Hoàng Đạo Thúy (Thanh Xuân), giá đất được công bố là 39 triệu đồng mỗi m2. Do đó, thuế đất chủ căn hộ phải nộp là: 80 m2 x 0,2 x 39 x 0,4% = 2,496 triệu đồng mỗi năm.
Trong khi đó, thuế nhà được tính theo công thức riêng.
Thuế nhà chung cư ={(Diện tích x Suất vốn đầu tư) – 700} x Thuế suất
Đơn vị tính: triệu đồng
Diện tích nhà: Diện tích ghi trên sổ hồng, hợp đồng mua bán.
Suất vốn đầu tư là giá trị đầu tư mỗi m2 sàn từng loại công trình được Bộ Xây dựng quy định tại Quyết định 706 ban hành tháng 6/2017. Ở một dự án nhà chung cư, suất vốn đầu tư mỗi m2 sàn theo quy định hiện hành dao động từ 6,23 đến 15,19 triệu đồng một m2, tùy vào chiều cao công trình. Xem suất vốn đầu tư với từng công trình xây dựng tại đây
Thuế suất: 0,4%
Giả sử, căn hộ trên đường Hoàng Đạo Thuý ở trên nằm trong tòa chung cư cao từ 25-30 tầng, suất vốn đầu tư theo quy định hiện là 11,35 triệu đồng. Giá tính thuế của căn hộ là 80 x 11,35 = 908 triệu.
Khi đó, áp dụng mức thuế suất 0,4% với phần vượt 700 triệu đồng, thuế nhà chủ căn hộ trên phải nộp là 832.000 đồng. Tổng cộng, chủ căn hộ này phải nộp Thuế Tài sản 3,328 triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, nếu chung cư trên chỉ cao từ 5 đến 10 tầng, suất vốn đầu tư chỉ dưới 8,3 triệu đồng mỗi m2, giá tính thuế khi đó chưa tới 700 triệu đồng nên sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế.
Vẫn trong cùng chung cư này, nhưng nếu ở tầng dịch vụ, những căn hộ kết hợp ở và kinh doanh – shophouse, mức thuế phải đóng sẽ cao hơn.
2. Với nhà đất
Cách tính: Số thuế phải nộp = Thuế đất + Thuế nhà xây trên phần đất đó
Thuế đất = Diện tích đất tính thuế x Giá đất x Thuế suất
Theo Đề cương Luật Bộ Tài chính đang dự thảo, diện tích đất tính thuế đối với nhà đất là diện tích ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất hoặc trên Quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc Hợp đồng giao đất, Hợp đồng cho thuê đất. Trường hợp chưa có các giấy tờ trên thì diện tích đất tính thuế là diện tích thực tế sử dụng.
Ví dụ, với lô đất 200 m2 ở mặt đường Hoàng Đạo Thúy, giá đất theo UBND Hà Nội công bố là 39 triệu đồng một m2, chủ sở hữu phải nộp thuế đất là: (200 x 39) x 0,4% = 31,2 triệu đồng.
Trên lô đất đó đã xây một căn nhà hoặc biệt thự, thuế tài sản với căn nhà/biệt thự lại được tính theo công thức dành cho thuế nhà, ngưỡng chịu thuế là 700 triệu đồng.
Thuế nhà = {(Diện tích sàn x Suất vốn đầu tư) – 700} x Thuế suất
Đơn vị tính: triệu đồng
Cụ thể, với nhà mới xây, giá mỗi m2 nhà tính thuế là giá mỗi m2 nhà xây dựng mới căn cứ trên suất vốn đầu tư theo quy định của Bộ Xây dựng ban hành.
Hiện suất vốn đầu tư xây dựng một căn biệt thự từ 2-3 tầng theo quy định vào khoảng 8,56 triệu đồng một m2 xây mới. Khi đó, nếu căn biệt thự được xây 3 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 300 m2, chủ biệt thự phải chịu thêm khoản thuế nhà là: [(300 x 8,56) – 700] x 0,4% = 7,472 triệu đồng mỗi năm. Vậy tổng cộng chủ sở hữu biệt thự ở Hoàng Đạo Thuý này phải nộp 38,67 triệu đồng mỗi năm Thuế Tài sản cho bất động sản này.
Tuy nhiên, nếu trên lô đất đó chỉ là một căn nhà ống 2-3 tầng thì suất đầu tư lại thấp hơn, chỉ 6,81 triệu đồng một m2, mức thuế phải nộp mỗi năm vào khoảng 5,372 triệu đồng.
Song, nếu đây lại là một căn nhà đã qua sử dụng thì sẽ tính dựa trên chất lượng còn lại của nhà. Bộ Tài chính cho biết, hiện UBND cấp tỉnh đang ban hành tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà để tính lệ phí trước bạ đối với nhà.
Tuy nhiên, mức thuế phải nộp còn phụ thuộc vào vị trí lô đất ra sao. Nếu trên mặt đường Hoàng Đạo Thúy, lô đất nằm ở vị trí 2 (tức là giáp ngõ rộng từ 3,5m trở lên) thì giá trong bảng giá đất chỉ là 21,06 triệu đồng. Như vậy với cùng diện tích nhưng số thuế đất mà chủ nhà phải nộp chỉ khoảng 16,8 triệu đồng. Nếu lô đất nằm ở vị trí 3 (tức là giáp ngõ từ 2m tới 3,5m) thì số thuế phải nộp là 13,7 triệu đồng và vị trí 4 (giáp ngõ dưới 2m) thì số thuế còn 12,168 triệu đồng.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 13/4, đại diện Bộ Tài chính cho biết đang vừa kiến nghị với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội để đưa dự án Luật thuế tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo đó, đơn vị này đề xuất mức thuế suất 0,4% thuế tài sản với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh…, có giá trị từ 700 triệu đồng (tính cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng) mỗi năm.
Bài viết liên quan: https://duanbietthuchungcu.com
- Published in Tin tức
Không nên cho thuê đất đặc khu đến 90 năm
Không nên cho thuê đất đặc khu đến 90 năm
Một số ĐBQH đã nêu ý kiến như vậy khi đề cập đến việc đảm bảo yếu tố an ninh, quốc phòng ở các đặc khu kinh tế.
Đây là một trong những nội dung quan trọng nằm trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) được cho ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách ngày 4/4.
Đột phá, mở rộng không đồng nghĩa với dễ dãi
Đề cập đến quy định về thời gian cho thuê đất lên tới hơn 90 năm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Lê Thanh Vân cho rằng, thời gian này là quá dài và cần cân nhắc, vì ba vị trí dự định thành lập đặc khu (Vân Đồn – Quảng Ninh, Phú Quốc – Kiên Giang và Bắc Vân Phong – Khánh Hòa) đều là vị trí nhạy cảm, có tính chất tiền tiêu. “Ba vị trí này lại nhô ra biển Đông, tác động của nó ở khía cạnh phòng thủ quốc gia sẽ thế nào?”, ông Vân lưu ý và nhấn mạnh thêm quan điểm không đánh đổi chủ quyền quốc gia để có thể phát triển bằng mọi cách.
Đồng quan điểm, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách TP.HCM lưu ý, chính sách đột phá, mở rộng không đồng nghĩa với dễ dãi. “Thời gian giao đất quá dài thì sau này con cháu chúng ta xử lý thế nào nếu có vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng? Chúng ta từng nói không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá. Vì thế, cũng không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia để phát triển bằng mọi cách”, ông Khuê nói.
Ông Khuê cũng nhắc đến các ý kiến của cử tri khi nhiều người gửi thư kiến nghị nên chăng có bước đi thận trọng trong việc này, Quốc hội cho thí điểm thực hiện để rút kinh nghiệm hay đồng loạt triển khai một lúc 3 đặc khu, vì mỗi nơi có ưu thế riêng và cơ chế ưu đãi cũng có nhiều cái riêng.
Làm rõ thêm các ý kiến băn khoăn về thời hạn giao đất, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, thời hạn giao đất 99 năm chỉ trong trường hợp đặc biệt và thực tế sau này khi xem xét yếu tố “đặc biệt” phải trải qua quy trình với nhiều cấp thẩm quyền quyết định. Quy định như vậy nhằm đảm bảo độ mở của luật để hạn chế việc sửa đổi nếu có sau này, chứ không phải giao ngay đất với thời hạn trên.
“Không sợ không kiểm soát được quyền lực”
Đặt vấn đề về cơ chế, ĐB Bùi Văn Phương, Phó đoàn ĐBQH chuyên trách Ninh Bình cho rằng, điều quan trọng trong luật này là phải có sự vượt trội về thẩm quyền, cơ chế vận hành. Giữ quan điểm không nên tổ chức theo cấp chính quyền, tức có HĐND ở các đặc khu, ông Phương khẳng định “chúng ta không sợ không kiểm soát được quyền lực”, bởi lâu nay chỉ vì chưa thực sự công khai, minh bạch nên mới có nhiều sai phạm mà không có kiểm soát, giám sát.
Về việc chính quyền ở đặc khu được giao nhiều thẩm quyền, ông Phương cho rằng, ban đầu chỉ giao một số thẩm quyền, còn lại đặc khu thực hiện nhiệm vụ theo các quy định đã có ở những luật khác. “Cơ quan giám sát có nhiều. Cơ quan T.Ư nào giao thẩm quyền thì cơ quan đó có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn. Nếu đặc khu cố tình làm sau khi có cảnh báo thì trách nhiệm thuộc về đặc khu”, ông Phương nêu quan điểm.
Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Vân đánh giá mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa thể hiện được cơ chế kiểm soát quyền lực trong điều kiện trao thẩm quyền quá lớn cho chính quyền đặc khu. “Cơ chế kiểm soát quyền lực của trưởng đặc khu thế nào? Tư duy mới là ưu đãi vượt trội thì chế tài, trách nhiệm phải vượt trội”, ông Vân góp ý.
Tranh luận lập Ban tư vấn kiểm soát quyền lực
Theo trình bày của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, để tăng cường kiểm soát hoạt động của các cơ quan chính quyền đặc khu, dự thảo luật bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của T.Ư thông qua Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập. “Việc bổ sung cơ chế này cũng là tiếp thu kinh nghiệm của các nước nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu”, ông Định giải thích.
Cho rằng nếu quy định hàng loạt vấn đề phải xin ý kiến của Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu là chưa phù hợp, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) lưu ý, nếu thêm Ban Tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu thì vô hình trung làm mất tính chủ động, thêm sự ràng buộc với UBND và Chủ tịch UBND. Do đó, không cần thiết có ban này.
Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cũng không đồng tình việc thành lập ban này và cho rằng, đây là bước có thể sẽ kéo lùi, làm chậm thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBND và UBND đặc khu. Hơn nữa, việc tổ chức ban ngay trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là chưa phù hợp chủ trương của T.Ư về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Nêu quan điểm khác, đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH lại cho rằng, việc thành lập Ban Tư vấn hỗ trợ phát triển là cách làm mới nhằm giám sát và cân bằng quyền lực khi thẩm quyền trao cho các đặc thu là rất lớn. Theo đó, những vấn đề lớn cần xin ý kiến ban này, tránh tình trạng cứ làm rồi khi xảy ra sai phạm lại đi xử lý cán bộ.
Bỏ quy định buộc các DN công nghệ phải đặt máy chủ tại Việt Nam
Cùng ngày, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật An ninh mạng. Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh cho biết, với quy định bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam, sau khi cân nhắc nhiều mặt, đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.
Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng – An ninh của QH đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo luật, nhưng có giới hạn về chủ thể (doanh nghiệp) và dữ liệu lưu trữ tại Việt Nam như điểm dự thảo luật đã chỉnh lý.
Liên quan đến quy định về phòng, chống chiến tranh mạng và tác chiến trên không gian mạng, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Tuấn, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng cho biết, dự luật Quốc phòng sửa đổi sắp trình Quốc hội đã đề cập nội dung phòng chống chiến tranh mạng. Do vậy, dự luật An ninh mạng cần bỏ quy định này để tránh chồng chéo
Tin liên quan: https://duanbietthuchungcu.com
- Published in Tin tức
Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm
Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm
Cụ thể, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2018 là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là đối tượng quy định tại các Khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở.
Các đối tượng trên được vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.
Trước đó, cuối năm 2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2735/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các NHTM áp dụng trong năm 2018 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định là 5%.
Theo Trí thức trẻ
Tin liên quan: https://duanbietthuchungcu.com
Giải mã tác nhân thành bại trong kinh doanh và đầu tư bất động sản
- Published in Tin tức
Giải mã tác nhân thành bại trong kinh doanh và đầu tư bất động sản
Giải mã tác nhân thành bại trong kinh doanh và đầu tư bất động sản
Chia sẻ về khởi nguồn của những may mắn trong kinh doanh, chuyên gia phong thủy Nguyễn Thành Phương – Viện phó Viện nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy, thành viên Hiệp hội phong thủy Quốc tế chỉ ra ba yếu tố quan trọng cấu thành nên, đó là Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa.
Ông Phương cho rằng, chu kỳ từ năm 2017 kéo dài đến 2043 là vận của ngũ hành hỏa. Do đó, không chỉ riêng Bình Định hay Việt Nam, mà với quy mô trên toàn thế giới, lĩnh vực bất động sản sẽ rất phát triển bởi nó mang hành thổ và hỏa vượng tương sinh cho thổ.
Cũng trong chu kỳ này, các thành phố hay dự án bất động sản nhìn về hướng Bắc hoặc Nam sẽ có sự phát triển rất mạnh, bởi hai hướng này nhận được những năng lượng mạnh mẽ từ vũ trụ chiếu đến. Và năm 2018 chính là năm rất thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh lĩnh vực bất động sản.
Ông Nguyễn Thành Phương cũng đánh giá, giống như Melbourne (Úc) – thành phố đáng sống nhất thế giới, Quy Nhơn có địa thế phong thủy “tụ bảo bồn” – như một chiếc túi đón tài lộc từ biển phía trước mặt chảy vào, nhưng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng đó bởi thời vận chưa đến. Từ năm 2017 kéo dài đến 2043, hoặc dài hơn đến 2063, tài lộc sẽ phát triển theo hướng Bắc – Nam, kích hoạt cho nền kinh tế của thành phố nói chung và các dự án bất động sản có hướng này nói riêng. Do đó, trên bình diện tổng thể, khi khách hàng lựa chọn đầu tư bất động sản, căn hộ không chỉ quan tâm đến hướng mà quan trọng là nhà đó ở trong một khu vực có vị trí địa lý, phong thủy thuận lợi.
Ông nhấn mạnh, một dự án có địa thế “hướng hải – tựa sơn” -trước mặt có dòng nước là tài lộc, sau lưng có núi tượng trưng cho sự bền vững, ổn định, đó chính là phong thủy bậc nhất.
Các chuyên gia phong thủy nhận định 2018 là năm thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh bất động sản
Đồng hành cùng chương trình, chuyên gia phong thủy, kiến trúc sư Hoàng Trà – Viện phó Viện lý học phương Đông chia sẻ những thông tin mang tính cụ thể về các yếu tố liên quan trong việc lựa chọn một sản phẩm bất động sản, những khía cạnh có thể ảnh hưởng đến tài lộc của một doanh nghiệp, một ngôi nhà hay căn hộ. Ông cũng chỉ ra một số thói quen ứng dụng phong thủy chưa đúng hoặc áp dụng một cách máy móc và mang tính ước lượng hiện nay.
Giải đáp câu hỏi về yếu tố quan trọng khi đầu tư bất động sản, ông Trà cho rằng, với các doanh nghiệp – chủ đầu tư cần chọn những mảnh đất thịnh, nghĩa là vừa có phong thủy tốt, vừa có phương vị tài lộc cũng như thời vận tốt khi thi công xây dựng và bán hàng, đảm bảo được yếu tố Thiên thời – Địa lợi.
Đối với khách hàng – nhà đầu tư mua căn hộ, nên chú trọng đến yếu tố phong thủy của mảnh đất để nhận được sự hưng thịnh chung, sau đó mới tính đến hướng cửa, sắp đặt nội thất, trang trí để hợp với gia chủ cũng như hóa giải phong thủy xấu để hạn chế và triệt tiêu năng lượng xấu ảnh hưởng không tốt đến các thành viên trong gia đình.
Đứng trên góc nhìn của các chuyên gia phong thủy, kiến trúc sư Hoàng Trà cũng như ông Nguyễn Thành Phương đánh giá cao địa thế của dự án TMS Luxury Hotel & Residence Quy Nhon. Chuyên gia cho rằng, dự án được hưởng lợi nhờ địa thế “tụ bảo bồn” của thành phố Quy Nhơn, cũng như được xây dựng theo hướng Bắc – Nam nên nhận được nguồn năng lượng mạnh mẽ rất tốt cho quá trình phát triển, đồng thời nằm trong chu kỳ hỏa vượng tương sinh cho thổ.
Bên cạnh đó, dự án cũng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, sở ban ngành và người dân nơi đây, cùng với những nỗ lực của một doanh nghiệp uy tín, tiềm lực vững mạnh – TMS Group, TMS Luxury Hotel & Residence Quy Nhon một lần nữa khẳng định được địa thế phong thủy bậc nhất “hướng hải – tựa sơn” và thỏa mãn các yếu tố quan trọng tạo nên thành công: Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa.
Bên cạnh những tư vấn hữu ích cho khách hàng tham dự sự kiện, TMS Group cũng mang đến cho khách hàng cơ hội nhân đôi tài lộc với nhiều quà tặng hấp dẫn. Theo đó, từ ngày 16/3 – 31/3/2018, khách hàng đăng ký đặt mua thành công căn hộ du lịch dự án TMS Quy Nhơn có cơ hội nhận ngay gói nội thất trị giá 220 triệu đồng; 1 Macbook Air 24 triệu và 5 chỉ vàng SJC.
TMS Luxrury Hotel & Resdence Quy Nhon quy tụ hầu hết các yếu tố phong thủy mà các chủ đầu tư thường mơ ước: Vị trí đắc địa trên mặt đường Nguyễn Huệ – nơi trung tâm, giao thương sầm uất bậc nhất thành phố Quy Nhơn, đối diện là quy hoạch công viên rộng lớn, dựa vào núi Bà – dãy núi lớn chủ sơn của Bình Định, nhìn thẳng ra bãi biển Quy Nhơn, phía Bắc hướng vềtượng Phật Thích ca Mâu ni – tượng Phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á. Dự án được đánh giá caobởi“phong thủy bậc nhất – phú quý tụ tài”.
Dự án được cấp sổ đỏ vĩnh viễn, khẳng định lợi kích kép: Nghỉ dưỡng – Cho thuê – Tài sản tích lũy cùng tiềm năng tăng giá bất động sản trong tương lai.
THÙY LINH
Tin liên quan: https://duanbietthuchungcu.com
- Published in Tin tức
Lộ diện thêm khối BĐS đồ sộ của Công ty Vịnh Nha Trang
Lộ diện thêm khối BĐS đồ sộ của Công ty Vịnh Nha Trang
Một trong số những nhà đầu tư này là ông Lê Anh Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang (chủ đầu tư dự án Panorama Nha Trang) đang có tranh chấp với nhà thầu Coteccons, đồng thời là ông chủ Cá Tầm Việt Nam.
Gần đây, dư luận xôn xao với vụ việc tranh chấp hy hữu giữa nhà thầu số 1 Việt Nam Coteccons và chủ đầu tư dự án Panorama Nha Trang – Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang (VNT). Đây là chủ đầu tư còn rất mới mẻ, ít được biết đến trên thị trường địa ốc khi mới chỉ thành lập vào 2014.
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được ông chủ thực sự của dự án Panorama Nha Trang là một nhóm nhà đầu tư từng có thời gian sinh sống và kinh doanh tại Nga. Chủ tịch HĐQT của VNT là ông Lê Anh Đức, người đại diện pháp luật và là tổng giám đốc VNT là bà Hà Thị Phương Thảo sinh năm 1982 người dân tộc Tày có hộ khẩu tại Hà Nội, hiện đang sinh sống ở TP Nha Trang.
Ông Lê Anh Đức được biết đến là ông chủ Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam với nhiều công ty thành viên trải khắp Việt Nam đang nuôi và phát triển loài cá nước lạnh để khai thác trứng cá đen (Caviar) quý hiếm nổi tiếng thế giới.
Trước khi đem cá tầm về Việt Nam, ông Đức từng sinh sống và kinh doanh tại Nga. Ông được biết đến là doanh nhân khởi nghiệp kinh doanh từ khi còn rất nhỏ (13 tuổi) với nghề buôn bán quần jeans và đồ xách tay từ Nga, sau đó là Ba Lan về Việt Nam.
Ngoài dự án Panorama Nha Trang với quy mô cao 39 tầng, với tổng số hơn 1.000 căn hộ condotel, ông Đức và bà Thảo cùng với một số cổ đông cá nhân khác đang đứng sau và sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn có tên tuổi như Công ty CP Câu lạc bộ Du thuyền và nghĩ dưỡng Cam Ranh, Công ty BĐS Hà Quang (Hà Quang Land) – những công ty sở hữu khối BĐS đồ sộ ở vị trí đắc địa tại TP Nha Trang và Cam Ranh.
2 cổ đông lớn nhất ở VNT có Hà Quang Land (nắm 40%), trong khi theo giới thiệu của công ty này trên website thì CTCP BĐS Hà Quang được thành lập từ năm 2001 với các cổ đông chiến lược là Công ty Cổ phần Cá Tầm Việt Nam và Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC). Hà Quang Land hiện do ông Hà Văn Hải là cổ đông lớn sở hữu 70%.
Hiện nay, Ha Quang Land đang triển khai xây dựng hai (02) dự án Khu đô thị mới Lê Hồng Phong I và Khu đô thị mới Lê Hồng Phong II (được gọi chung là KĐT Lê Hồng Phong có tên thương mại là Venesia), quy mô dự án này vào khoảng 108ha – là một trong những dự án khu đô thị lớn nhất TP Nha Trang, hiện đã có hàng nghìn căn nhà phố và biệt thự đã được xây dựng.
Khu đô thị Venesia Nha Trang (ảnh Hà Quang Land)
Bên cạnh ông Đức và bà Thảo, tại VNT còn có sự xuất hiện của ông Phạm Quang Tùng, ông Tùng được biết đến là ông chủ Công Ty TNHH Beluga Việt Nam, chuyên kinh doanh rượu vodka Beluga có xuất xứ từ Nga.
Bên cạnh Cá Tầm Việt Nam, ông Lê Anh Đức hiện còn đang nắm 80% Công ty CP Câu lạc bộ Du thuyền và nghĩ dưỡng Cam Ranh, vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Công ty này thành lập tháng 12/2015 do bà Hà Thị Phương Thảo là người đại diện pháp luật, đồng thời sở hữu 18%. Hiện là chủ đầu tư dự án Cam Ranh City Gate.
Đây là khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng trải dài trên đường Nguyễn Tất Thành (bán đảo Cam Ranh), quy mô khoảng 55ha với tổng số khoảng 1200 nền đất, giai đoạn 2 dự kiến phát triển khoảng 80ha.
Ngoài ra, một trong những công ty thuộc hệ thống nhóm nhà đầu tư này là Công ty cổ phần Du lịch Cá Tầm cũng đã được tỉnh Khánh Hòa giao 15ha đất tại xã Cam Hài Đông, huyện Cam Lâm để triển khai đầu tư dự án Cam Ranh Bay Cottages có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng.
Hồi năm 2011, Hà Quang Land cũng đã được tỉnh Khánh Hòa giao quy hoạch 2.460ha ven đầm Thủy Triều, bán đảo Cam Ranh, thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hoà) để công ty này lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và đầu tư dự án khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng.
Theo Trí thức trẻ
Tin liên quan: https://duanbietthuchungcu.com
Bất động sản nghỉ dưỡng Nha Trang 2017 – “Chọn mặt gửi vàng”
- Published in Tin tức
Bán nhà trong vòng 1 năm sau khi mua sẽ bị đánh thuế
Bán nhà trong vòng 1 năm sau khi mua sẽ bị đánh thuế
Đây là kiến nghị gửi đến Quốc hội và Chính phủ trong Đề án phát triển thị trường Bất động sản TP.HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án “Phát triển thị trường bất động sản TP.HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được UBND TP.HCM phê duyệt vào cuối năm 2017.
Đề án dẫn báo cáo năm 2016 của John Lang LaSalle, theo đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 68 trong bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch Bất động sản toàn cầu, với trị số điểm tuyệt đối thuộc nhóm có độ minh bạch thấp.
“Sự không minh bạch của thị trường dẫn đến sự phổ biến của hiện tượng “đầu tư cơ hội”, các nhà đầu tư cá nhân mua nhà, đất mà không nhằm mục tiêu chính để ở hoặc cho thuê mà chủ yếu chuyển nhượng lấy lãi nhưng chưa có chế tài nộp thuế tài sản, thu nhập gia tăng phù hợp; có những thời điểm nhóm các “nhà đầu tư” này chiếm đa số giao dịch trên thị trường, dẫn tới giá nhà đất tăng cao, khiến cho việc tiếp cận nhà ở của người có nhu cầu ở thực sự khó khăn”, tóm tắt đề án phân tích.
Từ hạn chế này, TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét quy định về thuế suất giao dịch bất động sản để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch bất động sản và đảm bảo thị trường phát triển minh bạch và lành mạnh.
Bên cạnh đó, Đề án cũng đề xuất Chính phủ xây dựng cơ chế thu thuế hàng năm đối với bất động sản và nguồn thu từ giá trị tăng thêm của đất và bất động sản có được nhờ vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng và cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Đặc biệt để tạo sự ổn định cho thị trường phát triển, TP.HCM cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm ban hành một số giải pháp về thuế nhằm đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận nhà ở của người dân theo hướng áp dụng mức thuế suất cao đối với bất động sản thứ hai trở lên và các giao dịch bất động sản diễn ra trong thời gian ngắn sau khi mua (trong vòng 1 năm); thu thuế tài sản trên đất và giá trị tăng thêm của đất và bất động sản trên đất từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, Đề án cũng kiến nghị Chính phủ phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, huy động vốn từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, đầu tư tài chính trong và ngoài nước; ban hành cơ chế khả thi để huy động vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị. Trước mắt, cho phép thí điểm một số công cụ tài chính mới cho thị trường bất động sản như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ tín thác bất động sản REITS, nhằm đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kiến nghị chính phủ cần quy định cách tính tiền sử dụng đất theo hướng đơn giản là thay thế bằng thuế sử dụng đất ở với thuế suất ổn định, khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất (như TP.HCM đã kiến nghị). Xây dựng hành lang pháp lý cho một số công cụ tài chính mới cho thị trường bất động sản phát triển.
THUẬN HOÁ
Tin liên quan: https://duanbietthuchungcu.com
Tìm hiểu chức năng lập vi bằng của thừa phát lại hiện nay
- Published in Tin tức
Tìm hiểu chức năng lập vi bằng của thừa phát lại hiện nay
Tìm hiểu chức năng lập vi bằng của thừa phát lại hiện nay
Lập vi bằng là một trong những chức năng quan trọng của Thừa phát lại hiện nay. Để tìm hiểu thêm về chức năng, nhiệm vụ này cũng như phương thức thực hiện công việc của Thừa phát lại, chúng tôi sẽ đi vào phân tích một số nội dung cơ bản của vấn đề, cụ thể:
-
Khái niệm, phạm vi, thẩm quyền
a, Khái niệm
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác (Khoản 3, điều 2, Nghị định 135/2013/NĐ-CP).
Hay nói theo cách hiểu thực tế thì Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.
Từ khái niệm trên cũng như các quy định hiện hành của pháp luật, chúng ta thấy vi bằng và việc lập vi bằng của thừa phát lại có một số đặc điểm, yêu cầu sau:
+ Hình thức của vi bằng là văn bản. Văn bản này phải do chính thừa phát lại lập, họ không được ủy quyền hay nhờ người khác lập và ký tên thay mình trên vi bằng;
+ Việc lập vi bằng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của văn bản;
+ Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; đó là kết quả của quá trình quan sát trực quan và được phản ánh một cách khách quan, trung thực trong một văn bản do thừa phát lại lập;
+ Vi bằng do thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật được xem là chứng cứ và có giá trị chứng minh;
+ Vi bằng có thể được sao chép và được sử dụng làm chứng cứ lâu dài. Việc vào sổ theo dõi, lưu trữ vi bằng phải tuân thủ các quy định về bảo mật và lưu trữ.
Hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại có những nét, những đặc điểm giống với hoạt động công chứng của công chứng viên kể cả về phương pháp tiến hành cũng như mục đích hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động lập vi bằng không phải là hoạt động công chứng. Nếu công chứng là việc công chứng viên thay mặt nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại Văn phòng công chứng. Hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại là lập các chứng thư (vi bằng) về những sự kiện, hành vi xảy ra ở mọi nơi mà ít bị khống chế về mặt không gian và thời gian.
Có thể lấy một ví dụ đơn giản để thấy sự khác nhau giữa hoạt động lập vi bằng và hoạt động công chứng như sau: Bên A và bên B ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi đó họ phải đến văn phòng công chứng, gặp chứng viên để thỏa thuận và ký kết hợp đồng trước sự chứng kiến của công chứng viên. Sau khi hợp đồng được ký kết với sự chứng thực của công chứng viên, khi hai bên “bước ra khỏi cửa” văn phòng công chứng thì công chứng viên không nhất thiết phải quan tâm việc hợp đồng đó được thực hiện thế nào? việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tiến hành ra sao? có vi phạm trong thực hiện các thỏa thuận không?. Từ đây có thể sẽ xuất hiện vai trò của thừa phát lại. Họ có thể sẽ chứng kiến và lập vi bằng về việc chuyển giao quyền sử dụng đất, lập vi bằng về những vi phạm xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng… nếu các bên yêu cầu họ làm vậy.
b, Phạm vi, thẩm quyền
Theo quy định hiện hành, về thẩm quyền thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp mà pháp luật cấm hoặc chưa cho phép. Về phạm vi, hiện nay Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì: “Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực”. Như vậy, Thừa phát lại không được lập vi bằng để ghi nhận những sự kiện, hành vi mà mình không trực tiếp chứng kiến hoặc những sự kiện, hành vi chỉ thông qua lời kể của người khác. Để đảm bảo tính trung thực, khách quan, Thừa phát lại không được tham gia vào sự kiện, hành vi mà mình ghi nhận trong vi bằng.
Hiện nay, có hai loại vi bằng cơ bản mà các Văn phòng Thừa phát lại thường lập đó là: Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi và Vi bằng ghi nhận hiện trạng. Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, trong giai đoạn thí điểm, Thừa phát lại tập trung lập vi bằng trong một số trường hợp nhất định như: xác nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình; xác định tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà; xác định tình trạng nhà khi mua nhà; xác định tình trạng nhà đất bị lấn chiếm; xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật; xác nhận tình trạng tài sản trước khi lý hôn, thừa kế; xác nhận hàng giả bày bán tại cơ sở kinh doanh, thương mại; Xác nhận việc giao hàng kém chất lượng; Xác nhận hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Xác nhận việc tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông; Xác nhận mức độ ô nhiễm; Xác nhận sự chậm trễ trong thi công công trình; Xác nhận tình trạng công trình khi nghiệm thu; Xác nhận các hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực tin học, báo chí, phát thanh, truyền hình như: đưa các thông tin không đúng sự thực; đưa thông tin khi chưa được phép người có thẩm quyền; vu khống… trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Công văn số 415/BTP-TCTHA ngày 28/01/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về vi bằng).
Ngoài ra, thừa phát lại có thể tiến hành xác nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng; những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp; Xác nhận tình trạng thiệt hại của cá nhân, tổ chức do người khác gây ra; Xác nhận việc từ chối thực hiện công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện; Xác nhận các sự kiện pháp lý khác theo quy định của pháp luật (Công văn số 415/BTP-TCTHA ngày 28/01/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về vi bằng).
Thừa phát lại chưa hoặc không được lập vi bằng đối với một số trường hợp sau: Những việc thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng; những việc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp; Những sự kiện, hành vi thuộc về bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự và văn bản liên quan; những việc quy định tại Điều 6 của Nghị định 61/2009/NĐ-CP; Những sự kiện, hành vi có tính chất nhạy cảm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Nhằm xác nhận, hợp thức hóa các giao dịch trái pháp luật.
-
Phương pháp, trình tự, thủ tục thực hiện
a, Tiếp nhận yêu cầu lập vi bằng
Thông thường khi có nhu cầu lập vi bằng, khách hàng sẽ phải đến Văn phòng thừa phát lại. Tại đây họ trình bày các yêu cầu của mình và có thể được thừa phát lại hoặc thư ký nghiệp vụ thừa phát lại tư vấn về một số quy định pháp luật có liên quan đến vi bằng mà khách hàng muốn lập. Sau đó, khách hàng điền nội dung yêu cầu lập vi bằng vào Phiếu yêu cầu lập vi bằng (theo mẫu). Thư ký nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của nội dung yêu cầu lập vi bằng và trình Thừa phát lại được phân công theo dõi vụ việc quyết định.
Thư ký nghiệp vụ đề nghị khách hàng điền vào Phiếu cung cấp thông tin (theo mẫu) những thông tin cần thiết liên quan đến việc lập vi bằng.
Trường hợp khách hàng yêu cầu lập vi bằng thông qua các phương tiện thông tin khác, Phiếu yêu cầu lập vi bằng, Phiếu cung cấp thông tin sẽ được thực hiện tại nơi khách hàng yêu cầu.
Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân yêu cầu một Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng về một sự kiện hoặc hành vi (Ví dụ các thành viên Hội đồng quản trị đều có yêu cầu lập vi bằng xác nhận việc tổ chức cuộc họp của Đại hội cổ đông công ty cổ phần) thì theo tinh thần chung Văn phòng thừa phát lại làm các thủ tục tiếp nhận yêu cầu, ký hợp đồng với từng tổ chức, cá nhân có yêu cầu đồng thời thực hiện việc lập và cung cấp vi bằng theo quy trình chung.
b, Thỏa thuận về việc lập vi bằng
Cá nhân, tổ chức muốn lập vi bằng về các sự kiện, hành vi phải thỏa thuận với Trưởng văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng. Thỏa thuận được lập thành biên bản với các nội dung chủ yếu sau:
+ Nội dung cần lập vi bằng: đó là các sự kiện, hành vi hay chuỗi hành vi liên quan đến sự kiện nào đó mà thừa phát lại phải tiến hành lập vi bằng.
+ Địa điểm, thời gian lập vi bằng: Là không gian, địa điểm, thời gian nơi xảy ra sự kiện, hành vi mà thừa phát lại thực hiện việc lập vi bằng. Hiện pháp luật không có quy định cụ thể việc cho phép hay không cho phép thừa phát lại được lập vi bằng trong một số trường hợp đặc biệt như: lập vi bằng vào ban đêm, lập vi bằng tại tư gia của người khác…, quá trình hoàn thiện pháp luật có thể cho phép trong trường hợp đặc biệt như nếu không lập vi bằng thì có thể bị xóa chứng cứ, dấu vết làm mất chứng cứ… thì có thể lập vi bằng vào ban đêm, tại tư gia của người khác, tuy nhiên nên hạn chế tối đa việc lập vi bằng trong một số trường hợp trên.
+ Chi phí lập vi bằng: Là phần kinh phí mà người đề nghị lập vi bằng phải thanh toán cho thừa phát lại. Mức kinh phí này theo thỏa thuận giữa thừa phát lại và người đề nghị nhưng không vượt quá mức mà pháp luật quy định đối với từng công việc cụ thể. Ngoài ra thì thừa phát lại có thể thỏa thuận với người đề nghị hỗ trợ một số chi phí hợp lý khác như chi phí vận chuyển, chi phí đi lại, chi phí bồi dưỡng cho người làm chứng…
Theo quy định tại khoản 1 điều 16 Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại theo Nghi quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội thì: Văn phòng Thừa phát lại quy định và niêm yết công khai khung giá về chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu, nguyên tắc tính. Trên cơ sở khung giá đã niêm yết, người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận về chi phí thực hiện theo công việc hoặc theo giờ làm việc và các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin; chi phí cho người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác (nếu có).
+ Các thỏa thuận khác, nếu có: Các bên có thể thỏa thuận thêm về một số nội dung như trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, tình trạng bất khả kháng, quyền lợi của người thứ ba có liên quan…
Văn bản về việc thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. Người yêu cầu phải cung cấp các thông tin và các tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) để đảm bảo việc lập vi bằng được khách quan, chính xác. Nếu thông tin và tài liệu cung cấp không đầy đủ, không chính xác (như xác định sai danh giới đất), dẫn đến việc lập vi bằng của thừa phát lại không đúng thì người yêu cầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sai sót đó.
Hiện nay trên thực tế có một vấn đề phát sinh đó là việc lập vi bằng đối với những sự kiện, hành vi xảy ra “đột xuất, bất ngờ“. Theo quy định thì quyền lập vi bằng phát sinh khi Văn phòng thừa phát lại và đương sự có thỏa thuận về việc lập vi bằng. Hình thức thỏa thuận được thể hiện bằng văn bản dưới dạng hợp đồng ký kết giữa Trưởng văn phòng thừa phát lại và đương sự. Tuy nhiên, nếu quy định cứng như vậy thì việc lập vi bằng đối với những sự kiện, hành vi “đột xuất, bất ngờ” gặp khó khăn. Khi đó nếu cứ phải đợi thống nhất về các điều khoản hợp đồng thì việc lập vi bằng sẽ khó đáp ứng được tính kịp thời. Ví dụ như lập vi bằng về hành vi vi phạm luật giao thông; lập vi bằng về một vụ tai nạn giao thông.
Nên chăng, trong trường hợp trên pháp luật cho phép và công nhận “thỏa thuận miệng” giữa hai bên. Tức là khi phát sinh tình huống khẩn cấp cần lập vi bằng, đương sự có thể đề nghị thừa phát lại đến lập vi bằng ngay mà chưa cần phải ký biên bản thỏa thuận. Việc ký biên bản thỏa thuận (hợp đồng) sẽ được hoàn tất ngay sau khi lập vi bằng. Nếu sau đó hai bên không thống nhất được các điều khoản cơ bản của hợp đồng thì thừa phát lại có thể hủy kết quả lập vi bằng.
c, Tiến hành lập vi bằng
Vi bằng (theo mẫu) có thể được lập tại Văn phòng Thừa phát lại hoặc tại nơi mà khách hàng yêu cầu đối với các sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của khách hàng, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng, chứng kiến việc lập vi bằng hoặc yêu cầu nhà chuyên môn tham gia vào việc lập vi bằng.
Thừa phát lại sẽ mô tả cụ thể sự kiện, hành vi cần ghi nhận; tiến hành đo đạc, chụp ảnh, quay phim… trung thực, khách quan trong vi bằng.
Do vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Do vậy, việc lập vi bằng phải do chính Thừa phát lại thực hiện. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại có thể giúp Thừa phát lại thực hiện việc lập vi bằng, nhưng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về vi bằng do mình thực hiện.
Ở đây cần lưu ý là trong trường hợp Thư ký nghiệp vụ giúp Thừa phát lại lập vi bằng phải được hiểu đây là sự hỗ trợ Thừa phát lại trong một số việc như lập biên bản về sự việc dưới sự chứng kiến của thừa phát lại, in sao, thu thập tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng. Thừa phát lại chỉ được lập và ký vào vi bằng về những sự kiện, hành vi mà họ chứng kiến chứ không phải những sự kiện, hành vi mà chỉ có Thư ký nghiệp vụ chứng kiến, thừa phát lại chỉ nghe kể lại hoặc mô tả lại.
Vi bằng lập thành 03 bản chính: 01 bản giao người yêu cầu; 01 bản gửi Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại để đăng ký trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập vi bằng; 01 bản lưu trữ tại văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về chế độ lưu trữ đối với văn bản công chứng. Trong trường hợp có sai sót về kỹ thuật trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn vi bằng mà việc sửa chữa không làm ảnh hưởng đến tính xác thực của vi bằng thì Thừa phát lại được sửa lỗi đó. Việc sửa chữa lỗi kỹ thuật của vi bằng phải được thực hiện bằng văn bản, do Thừa phát lại lập, ký và đóng dấu của Văn phòng Thừa phát lại.
Trong trường hợp vi bằng đã được giao cho người yêu cầu và đăng ký tại Sở Tư pháp thì Thừa phát lại phải thông báo bằng văn bản việc sửa chữa lỗi kỹ thuật cho người yêu cầu và Sở Tư pháp biết. Sở Tư pháp phải có văn bản thông báo việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc sửa đổi, bổ sung cho Thừa phát lại và người yêu cầu biết.
Trước khi ký vào vi bằng, Thừa phát lại tự mình kiểm tra lại giấy tờ tùy thân của khách hàng, người bị lập vi bằng, người làm chứng… và yêu cầu những người tham gia, chứng kiến, người có hành vi bị lập vi bằng ký tên vào vi bằng.
Vi bằng được đóng số theo thứ tự thời gian, ghi vào sổ theo dõi vi bằng và được lập thành 03 bản chính. Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa phát lại. Vi bằng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Vi bằng lập thành văn bản viết bằng tiếng Việt và có các nội dung chủ yếu như: tên, địa chỉ văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng; địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm lập vi bằng; người tham gia khác (nếu có); họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng và nội dung yêu cầu lập vi bằng; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận; lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng; chữ ký của Thừa phát lại lập vi bằng và đóng dấu văn phòng Thừa phát lại, chữ ký của những người tham gia, chứng kiến (nếu có) và có thể có chữ ký của những người có hành vi bị lập vi bằng.
+ Kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác. Những tài liệu này về nguyên tắc cũng phải được thu thập một cách hợp pháp và đảm bảo các yêu cầu về mặt nội dung, hình thức. Việc lưu trữ, bảo quản các tài liệu này do Văn phòng thừa phát lại thực hiện theo các quy định hiện hành về lưu trữ hồ sơ, tài liệu và chứng cứ.
d, Thanh lý thỏa thuận lập vi bằng, cấp bản sao vi bằng
Sau khi hoàn thành việc lập vi bằng, thừa phát lại phải giao cho người yêu cầu 01 bản chính. Khi giao vi bằng, thừa phát lại hoặc thư ký nghiệp vụ đề nghị khách hàng ký vào sổ bàn giao vi bằng và thanh lý thỏa thuận lập vi bằng.
Trường hợp Văn phòng thừa phát lại giải thể thì Văn phòng thừa phát lại phải thanh lý các hợp đồng đã ký kết. Đối với những vi bằng đã được lập thì Văn phòng thừa phát lại phải tiếp tục hoàn thành việc đăng ký với Sở Tư pháp trước khi hoàn tất hồ sơ về việc giải thể.
Bản sao vi bằng chỉ được cung cấp trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp bản sao vi bằng phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã lập vi bằng. Công dân không có quyền trực tiếp yêu cầu nhưng có thể đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu Văn phòng thừa phát lại cung cấp bản sao vi bằng để làm căn cứ trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến mình.
Việc cấp bản sao vi bằng do Thừa phát lại đã thực hiện vi bằng quyết định, được thực hiện tại Văn phòng Thừa phát lại sau khi đối chiếu với bản chính và đóng dấu bản sao vi bằng, đồng thời được ghi vào sổ theo dõi vi bằng. Văn bản về việc cung cấp bản sao vi bằng phải được lưu trong hồ sơ vi bằng.
Có thể khẳng định hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong hoạt động tố tụng nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Hy vọng những thông tin cung cấp trong bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về chức năng cũng như việc thực hiện chức năng này của Thừa phát lại./.
Ths. Vũ Hoài Nam – NXBTP – Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo
– Từ điển Luật học – NXBTP – năm 2006.
– Tổ chức Thừa phát lại – TS Nguyễn Đức Chính – NXBTP – 2006.
– Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay – Ths Vũ Hoài Nam – NXBTP – 2013.
– Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 27/4/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
– Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 27/4/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
– Thông tư 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội.
– Công văn số 415/BTP-TCTHA ngày 28/01/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về vi bằng.
Tin liên quan:
https://duanbietthuchungcu.com
Chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản
- Published in Tin tức
Chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản
Chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản
Theo thống kê, lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng ngân hàng vào thị trường bất động sản kể từ ngày 01/02/2015 đến nay có nhiều “cột mốc” đáng chú ý.
Theo đó, thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 60% (áp dụng từ 01/02/2015 đến 31/12/2016); và đã quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản (áp dụng từ 01/02/2015 đến 31/12/2016).
Thị trường bất động sản năm 2018 vẫn trong tầm kiểm soát tốt
Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27/05/2016 của NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã cho phép các các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa theo lộ trình: Từ ngày 01/07/2016 đến ngày 31/12/2016 là 60%, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2017 là 50%, từ ngày 01/01/2018 là 40%. Thông tư này cũng quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 200% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản (áp dụng kể từ ngày 01/01/2017).
Đặc biệt, NHNN vừa ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa theo lộ trình: Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2018 là 45%, từ ngày 01/01/2019 là 40%.
Thông tư 19/2017/TT-NHNN vẫn quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 200% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản như Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Thông tư này giúp các ngân hàng thương mại đã chỉ được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 40% kể từ 01/01/2018, và các doanh nghiệp bất động sản càng khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.
Ngày 23/01/2018, NHNN đã có công văn số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 01/01/2019 theo lộ trình của Thông tư 19/2017/TT-NHNN
Trước việc tín dụng bất động sản ngày càng hạn chế, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, HoREA nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp cần chủ động mọi mặt để sẵn sàng “đối phó” với việc siết chặt tín dụng.
“Khuyến nghị các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận; doanh thu; chuẩn bị được quỹ đất, dự án đầu tư phát triển; chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án; tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp… để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay, và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 01/01/2019 theo lộ trình của Thông tư 19/2017/TT-NHNN”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.
Công Quang
Tin liên quan:
https://duanbietthuchungcu.com
- Published in Tin tức