
Đổi đất lấy hạ tầng: Giá đất tăng theo cấp số nhân
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, khi nguồn lực của đất nước, Chính phủ khó khăn thì huy động được hình thức BT sẽ có thêm nhiều công trình thành công, người dân cũng được hưởng lợi.
Ông Trần Hồng Hà lấy ví dụ ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên rất nhiều.
Minh bạch trong chọn nhà đầu tư
Đối với chủ trương đổi đất lấy hạ tầng là 4 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống mới đây của Hà Nội, ông Trần Hồng Hà khẳng định, nếu xây dựng được 4 cây cầu trên thì sẽ tạo ra được 4 vùng phát triển mới và giá đất sẽ tăng theo cấp số nhân.
“Điều quan trọng là kiểm soát tốt được các khâu trong quá trình thực hiện và cần minh bạch trong việc chọn nhà đầu tư. Đặc biệt là phải xác định thời điểm định giá đất theo quy định để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đầu tư” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Liên quan đến thời điểm định giá đất sao cho đúng, ông Đào Trung Chính – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quy định pháp luật hiện nay có vấn đề ở chỗ, ngày hôm nay mở gói thầu về công trình hạ tầng thì phải hòm hòm cho nhà đầu tư biết người ta sẽ được bao nhiêu đất, nhưng phải tới khi nào xây dựng hạ tầng xong thì chúng tôi mới định giá đất cụ thể được.
“Đây là cái đang vướng, bởi nhà đầu tư luôn muốn biết sẽ được bao nhiêu đất. Luật Đất đai thì lại quy định khi nào xây dựng xong thì mới quy ra đất, khi đó mới có giá” – ông Chính cho biết.
Theo ông Đào Trung Chính, nếu tính toán đúng giá, lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch thì sẽ khắc phục được những tồn tại trên để xây dựng được cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Cầu Tứ Liên
Liên quan đến việc xây cầu bắc qua sông Hồng, ông Vũ Duy Tuấn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho biết, hiện thành phố Hà Nội đang chỉ đạo thực hiện triển khai 6 cầu là: cầu Tứ Liên, cầu Đuống, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Giang Biên và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Tổng mức vốn đầu tư các dự án này quá lớn, ngân sách thành phố không làm được mà phải mời đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT.
Ông Tuấn cho biết, thành phố sẽ giao hàng trăm ha đất cho các nhà đầu tư để đối ứng. Để đảm bảo thực hiện các dự án này, thành phố đã rà soát, bố trí quỹ đất để cho nhà đầu tư có thể đầu tư các dự án đối ứng, thu hồi vốn theo quy định của pháp luật.
“Với các khu đất này, nhà đầu tư có thể đầu tư các công trình, khu đô thị đảm bảo theo đúng quy hoạch của thành phố đã duyệt. Hiện tổng quỹ đất này đang được nghiên cứu, chưa chính thức giao cho bất cứ nhà đầu tư nào” – ông Tuấn khẳng định.
Tránh thất thoát tài sản nhà nước
GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thì lo ngại, các dự án làm theo hình thức BT sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản bởi phần lớn các nhà đầu tư hiện nay đều đòi đất ở.
“Đòi đất ở sẽ dẫn đến tăng dự án nhà ở lên quá nhiều, thậm chí nhiều dự án không thuộc quy hoạch là đất ở cũng được làm chung cư cao tầng, điều này dẫn đến cạn kiệt đất đai, thiếu đất cho công viên, hồ nước… khiến quy hoạch mất cân bằng” – GS Võ cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, với giá trị đất đai hiện có, các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM có nhiều tiềm năng thực hiện thành công các dự án BT thông qua đổi đất lấy hạ tầng.
Nhưng BT là một hình thức đầu tư phức tạp, không có tiêu chuẩn chung cho các hợp đồng BT được ký kết giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư tư nhân. Vì vậy quá trình lựa chọn, đàm phán ký kết hợp đồng với nhà đầu tư cần đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch để tránh nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước.
“Chủ trương xã hội hóa đầu tư theo hình thức BT là hoàn toàn đúng đắn, nhưng để đầu tư BT phát huy tối đa hiệu quả, các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, định giá đất đai và thẩm định tổng mức đầu tư dự án cần được tiến hành kỹ lưỡng. Bởi suy cho cùng đầu tư bằng đất đai cũng là đầu tư bằng tài sản nhà nước nên cần kiểm soát chặt chẽ” – TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định.
Nguồn:
Xem thêm:
[…] Đổi đất lấy hạ tầng: Giá đất tăng theo cấp số nhân […]