
“Đừng kỳ vọng một quyển sổ đỏ sẽ giải quyết được mọi tranh chấp tài sản”
Bộ Tài nguyên Môi trường vừa ban hành Thông tư số 33/2017 quy định chi tiết một số điều Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Tăng thủ tục hành chính, sợ “hành dân”
Có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, Thông tư 33 quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, việc ghi tên các thành viên trong gia đình sẽ làm khó khăn trong việc xác định chủ của tài sản và chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp.
Theo đó, Thông tư số 33/2017 đã sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Như vậy, Thông tư 33/2017 đã bổ sung thêm đối tượng là “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào trong sổ đỏ.
GS Đặng Hùng Võ thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định này. Theo GS Đặng Hùng Võ, tài sản tạo lập được là của cha mẹ điều này đã được quy định cụ thể trong Luật hôn nhân gia đình, Luật dân sự… Nếu con cái có sự đóng góp mới nên đưa vào, nếu không có thì chỉ nên có cha mẹ. “Việc thêm tên các con vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc chúng ta phải xác định rõ ràng được sự đóng góp của từng người con trong tài sản chung đó. Và điều này là không thể” – ông Võ cho biết.
Ngoài ra, theo GS Đặng Hùng Võ, việc viết thêm tên thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ làm rối việc xác định chủ của tài sản và chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp. “Phải xác định rõ được con cái có đóng góp vào tài sản hay không, hay chỉ có vợ và chồng. Chuyện tài sản là chuyện cần cẩn thận, chứ không phải chúng ta đưa tên vào đó một cách vô cớ”, GS Võ nhấn mạnh.
Ở khía cạnh khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng việc yêu cầu các thành viên đều đứng tên trong sổ đỏ cũng là cách góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng. Bởi việc này cũng là một cách để kiểm kê tài sản của những người cần phải kê tài sản. “Chẳng hạn như tuổi tôi giờ nhiều người lên chức, vì lý do này lý do này kia muốn tài sản không liên quan đến mình thì cho con đứng tên. Rõ ràng với quy định này cần thiết để ngăn chặn lợi dụng kẽ hở hiện nay nhằm tẩu tán tài sản, không kê khai hoặc cố tình không kê khai tài sản.”
“Đây là cách nên làm nhưng mà cũng phải tránh tình trạng khi thông tư ra đời làm phát sinh thêm thời gian, thủ tục hành chính, chi phí cho người dân” – ông Hoàng cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại, việc ghi tên các thành viên phải sổ đỏ chắc chắn sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính để chứng minh tài sản đó thuộc về ai và đáng ngại nhất là câu chuyện thực thi ở các địa phương, không khéo nhiều nơi sẽ đặt ra quy định phức làm làm khổ dân.
Không nên quá kỳ vọng
Quy định mới khiến nhiều người băn khoăn “phiền phức” khi chuyển nhượng đất phải có mặt đầy đủ các thành viên trong khi thực tế, nhiều gia đình ly tán, sống cách xa nhau, đi lại khó khăn… đại diện cơ quan soạn thảo thông tư cho biết có 2 phương án giải quyết.
Thứ nhất, nếu tất cả thành viên muốn đứng tên chung thì sẽ thể hiện tên tất cả trên sổ đỏ nhưng khi làm thủ tục chuyển nhượng, có thể cử 1 người đứng ra làm sau khi có sự đồng thuận.
Thứ hai, cử 1 người đứng ra làm đại diện đứng tên trên giấy tờ, những người còn lại chỉ cần cập nhật số liệu, nắm thông tin. Đáng lưu ý là người đại diện đó sẽ chỉ được ghi tên trên giấy tờ là “đại diện”, chứ không được ghi là “chủ đất”, để tránh mất quyền lợi của người cùng chung QSD.
“Như thế, yêu cầu không buộc những ai có chung hộ khẩu đều phải ghi tên trên giấy tờ đất. Chỉ những thành viên có chung QSDĐ thì ghi tên trong sổ đỏ. Đồng thời, cũng không bắt buộc ghi nếu không muốn, mà cho các thành viên quyền lựa chọn. Cách làm cũ có thể dẫn tới tình trạng người đứng tên lén lút sang nhượng đất làm ảnh hưởng những người cùng có quyền sở hữu. Giờ đưa vào quy định thì sẽ tránh được việc này” – đại diện cơ quan soạn thảo giải thích thêm.
Trao đổi với DĐDN, ông Đào Trung Chính – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường) khẳng định, Quy định bổ sung tên vào sổ đỏ này sẽ tránh được một số tranh chấp trong quá trình mua bán, chuyển nhượng tuy nhiên không nên kỳ vọng việc một quyển sổ sẽ giải quyết được mọi tranh chấp tài sản. “Ghi là ghi tên vào cho đầy đủ, chặt chẽ hơn, còn có ghi hay không vẫn phải thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển nhượng như bình thường” – ông Chính cho biết.
Trong khi dư luận vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai sẽ có buổi đối thoại để làm rõ thông tin trên.
LƯU VÂN
Tin liên quan:
https://duanbietthuchungcu.com
Bộ Tài nguyên và Môi trường lên tiếng chuyện sổ đỏ phải ghi tên cả nhà